1. Cách làm mứt dừa non hai màu
Cách làm mứt dừa rất được yêu thích, đặc biệt là mỗi dịp tết đến xuân về. Thời điểm này hầu như nhà nào cũng tất bật chuẩn bị bánh mứt và những món ăn truyền thống không thể thiếu, trong đó có mứt dừa. Vị ngọt ngọt, giòn giòn của chúng bao giờ cũng khiến đám trẻ con mê mẩn. Để nắm được công thức làm mứt dừa ngon tại nhà thì đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Nguyên liệu
- 1 kg cơm dừa non
- 500 gram đường trắng
- 1 muỗng cà phê bột nghệ
- 1 muỗng cà phê bột dâu tây
Hướng dẫn cách làm mứt dừa non hai màu
Dừa non dùng làm mứt nên chọn loại có độ non vừa phải, nếu quá non miếng dừa sẽ bị nhũn rất khó sên mứt, ngược lại quá già sẽ bị cứng. Để nhận biết độ non già của cùi dừa bạn có thể dùng móng tay bấm thử, nếu thấy hơi mềm là được.
Sau khi mua về, dùng dao gọt bỏ phần xám bên ngoài, rửa sạch và cắt thành miếng dài có độ dày bằng đầu đũa.
Chuẩn bị một thau nước ấm, cho dừa đã cắt vào rửa nhiều lần cho sạch dầu. Rửa liên tục đến khi thấy nước trong thì dừng. Cách này giúp dừa khi ngâm dễ ngấm đường và sên mứt cũng nhanh khô hơn.
Bắc nồi nước sạch lên bếp, đun lửa lớn cho đến khi nước sôi bùng thì thả cùi dừa vào luộc sơ khoảng 2 phút, vớt ra xả lại nước lạnh và để ráo.
Chia đôi cùi dừa vào hai tô nhỏ, mỗi tô dùng 250 gram đường và một màu bột nghệ hoặc dâu tây tùy thích. Đảo đều và ngâm khoảng 2 đến 4 tiếng cho đường tan hẳn. Nếu thích, bạn có thể thay đổi màu sắc bằng các loại nước ép hoa quả khác như cam, cà rốt, dứa,…
Sau khi đường ngâm trong cùi dừa tan, bắc lên bếp bắt đầu sên. Đun lửa lớn cho phần nước đường sôi thị hạ lửa nhỏ. Thỉnh thoảng đảo đều tay và sên cho đường kết tinh, khô lại thì tắt bếp.
Lưu ý, sau khi tắt bếp bạn vẫn dùng đũa đảo đều khoảng 3 đến 5 phút thì mới ngừng hẳn. Đồng thời nên chia từng màu mứt dừa ra sên riêng để không bị hòa lẫn. Chờ mứt dừa khô, cho vào hũ thủy tinh bảo quản.
2. Cách làm mứt dừa dẻo vị sầu riêng
Nếu đã quá nhàm chán với vị mứt dừa truyền thống, bạn có thể mix chúng với một số hương vị của loại trái cây khác như sầu riêng. Một biến tấu nho nhỏ mang đậm phong vị Nam Bộ này sẽ khiến món mứt dừa của bạn thêm độc đáo.
Nguyên liệu
- 300 gram cùi dừa non
- 100 gram sầu riêng không hạt
- 100 gram đường trắng
- 1 muỗng cà phê vani
- 10 gram mè trắng
Hướng dẫn cách làm mứt dừa dẻo vị sầu riêng
Cùi dừa non mua về rửa sạch, loại bỏ lớp màng hơi cứng bám bên ngoài, sau đó cắt thành từng sợi dài. Với cách làm mứt dừa dẻo, bạn không cần chần cùi dừa qua nước sôi, chỉ cần rửa cho nước có màu trong là được. Sầu riêng cho vào tô tán nhuyễn. Trộn cùi dừa non với sầu riêng, đường và bột vani, để yên khoảng 1 giờ cho đường tan hết.
Bắc chảo lên bếp, cho hỗn hợp cùi dừa và sầu riêng vào, sên lửa nhỏ khoảng 25 đến 30 phút cho đến khi nước đường kẹo lại, bám đều vào miếng dừa non thì tắt bếp, rắc mè rang lên cho thơm.
Để mứt dừa non nguội hẳn mới cho vào hũ thủy tinh. Cách làm mứt dừa non này có vị rất đặc biệt, dẻo dẻo dai dai và béo ngậy vị sầu riêng, nhâm nhi cùng tách trà nóng thì hết sảy. Lưu ý, để bảo quản món ăn được lâu, bạn nên đặt chúng vào ngăn mát tủ lạnh.
3. Cách làm mứt dừa viên ba màu
Cũng giống như mứt dừa dẻo vị sầu riêng, mứt dừa viên ba màu là một biến tấu mới trong món mứt dừa truyền thống. Với công thức này, quả bánh ngày Tết của bạn sẽ có thêm những màu sắc mới lạ, hấp dẫn.
Nguyên liệu
- 900 gram cùi dừa
- 1 muỗng canh bột trà xanh
- 15 gram bột gạo đỏ
- 500 gram đường trắng
- 500 ml sữa tươi
Hướng dẫn cách làm mứt dừa viên ba màu
Tương tự cùi dừa mua về cũng gọt sạch phần xám cứng bên ngoài, rửa sạch nhiều lần với nước ấm cho đến khi nước hết đục. Chần sơ vào nước sôi khoảng 2 phút cho sạch dầu rồi vớt ra để ráo nước.
Chia dừa thành 3 phần đều nhau, mỗi phần khoảng 300 gram. Sau đó cho hòa tan riêng bột trà xanh và bột gạo men đỏ cùng 100 ml nước. Để yên khoảng 15 – 20 phút chắt lấy phần nước màu lắng bên dưới.
Tương tự đường cũng chia thành 3 phần bằng nhau, lần lượt cho vào từng tô cùi dừa. Và để tạo màu đẹp mắt, ở tô thứ nhất bạn cho nước trà xanh vào, tô thứ hai đổ nước men gạo đỏ và tô cuối cùng cho sữa tươi. Ướp 2 tiếng cho đường tan hẳn.
Bắc chảo lên bếp, cho tô cùi dừa màu trắng lên sên trước, vặn lửa nhỏ và đảo đều tay đến khi đường kết tinh lại, bám trên từng viên dừa thì tắt bếp, tiếp tục đảo đều thêm vài phút nữa cho mứt khô thì mới dừng. Sau đó, lần lượt sên hai màu mứt còn lại.
4. Cách làm mứt dừa hoa atiso
Cách làm mứt dừa hoa atiso cũng tương tự như mứt dừa truyền thống, tuy nhiên ở công đoạn ngâm với đường, bạn có thể thêm vào bụp giấm (hay còn gọi là atiso đỏ) để tạo hương vị và màu sắc atiso cho món mứt.
Nguyên liệu
- 300 gram cùi dừa
- 140 gram đường trắng
- 40 gram sữa đặc
- 3 muỗng cà phê bụp giấm (siro atiso đỏ)
Hướng dẫn cách làm mứt dừa vị atiso đỏ
Cùi dừa mua về cắt thành từng sợi dài, rửa với nước ấm nhiều lần cho bớt dầu. Sau đó cho vào thau, ướp với 140 gram đường cùng sữa đặc và siro atiso đỏ. Trộn đều và ngâm khoảng 15 phút cho hỗn hợp tan đều.
Đặt chảo lên bếp, cho hỗn hợp cùi dừa và siro atiso đỏ vào, sên lửa nhỏ đến khi đường tan kẹo lại, kết tinh thì tắt bếp.
Cho mứt dừa ra khay, đặt trước quạt gió cho khô. Thời gian này, bạn cũng dùng đũa gỡ từng sợi mứt ra để chúng không bị dính vào nhau.
5. Cách làm mứt dừa lá dứa
Mứt dừa lá dứa không chỉ có màu xanh bắt mắt mà còn mang vị ngọt thơm đặc biệt. Được làm tại nhà với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, món mứt này đảm bảo sẽ khiến khay bánh ngày Tết gia đình thêm an toàn và chất lượng.
Nguyên liệu
- 300 gram cùi dừa
- 1 bó lá dứa
- 150 gram đường trắng
- 1 máy xay sinh tố
Hướng dẫn cách làm mứt dừa lá dứa
Cùi dừa gọt sạch lớp vỏ nâu bên ngoài, cắt thành những miếng dài vừa ăn, sau đó chần sơ qua nước sôi và rửa lại với nước lạnh nhiều lần cho sạch dầu.
Lá dứa rửa sạch, cắt khúc rồi cho vào mát xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt và cho cùi dừa vào ngâm từ 2 đến 3 tiếng. Thỉnh thoảng trộn đều để cùi dừa thấm đều màu.
Tiếp đến khi thấy dừa đã chuyển màu, vớt ra ngâm với đường khoảng 1 giờ. Trong thời gian ướp cũng thường xuyên đảo để dừa thấm đường.
Bắc dừa lên bếp sên với lửa nhỏ để mứt không bị cháy, khi thấy đường kết tinh bám vào miếng mứt thì tắt bếp. Cho dừa ra khay, dùng đũa gỡ những miếng dính vào nhau, để nguội hẳn mới cho vào lọ bảo quản.
6. Cách làm mứt dừa đậu biếc
Mứt dừa vị lá dứa, cà phê, dâu tây,… có lẽ bạn đã gặp rất nhiều nhưng vị đậu biếc thì sao nhỉ? Có lẽ đây là cách làm mứt dừa tương đối lạ mắt mà không phải ai cũng biết. Vị béo của sữa đặc hòa quyện với vị giòn ngọt của dừa vị hương thơm của hoa đậu biếc khiến ai cũng ngất ngây.
Nguyên liệu
- 500 gram dừa non
- 30 gram hoa đậu biếc
- 200 gram đường trắng
- 50 gram sữa đặc
Hướng dẫn cách làm mứt dừa đậu biếc
Trước hết, hoa đậu biếc mua về đem hãm với 350 ml nước sôi. Để khoảng 15 phút cho ra hết màu. Tiếp đến cơm dừa đem cắt thành sợi dài, có độ dày khoảng 1 cm, rửa nhiều lần với nước ấm cho sạch dầu.
Cho cùi dừa vào tô, trút 300 ml nước đậu biếc vào và ngâm khoảng 2 tiếng để dừa thấm màu, sau đó vớt ra để ráo. 50 ml nước đậu biếc còn xót lại đem trộn chung với sữa đặc và để riêng ra một góc.
Tiếp tục đem cùi dừa ngâm với 200 gram đường cát trắng. Ướp khoảng 1 tiếng để dừa tan hẳn và thấm đều vào từng miếng dừa.
Bắc chảo lên bếp, đổ hỗn hợp cơm dừa vào, vặn lửa nhỏ và đảo đều tay cho đến khi nước đường gần cạn thì cho sữa đặc và nước đậu biếc vào. Tiếp tục đun đến khi mứt kẹo lại thì tắt bếp.
Đặt chảo ở nơi có quạt, để số lớn nhất và dùng đũa tơi ra để mứt không bị vón cục. Mứt dừa đậu biếc khi hoàn thành thường có màu xanh đẹp mắt.
7. Mứt dừa ăn có béo không?
Mứt dừa là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán. Vị thơm của tinh dầu hòa quyện với vị giòn ngọt của cùi dừa càng ăn lại càng ghiền. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn mứt dừa nhiều sẽ rất dễ tăng cân.
Đồng thời mứt dừa còn khiến lượng đường trong máu tăng cao, rất nguy hiểm cho người bị đái tháo đường. Bên cạnh đó, với một số trường hợp béo phì hoặc bà bầu tăng cân nhanh, ăn mứt dừa nhiều có thể dẫn đến bỏ bữa ăn chính. Từ đó cơ thể không thể hấp thu đầy đủ được protein, vitamin và nhiều khoáng chất khác.
8. Cách bảo quản mứt dừa được lâu
Để mứt dừa bảo quản được lâu, trước hết bạn cần biết cách lựa chọn nguyên liệu phù hợp. Dừa làm mứt nên dùng lại dừa bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Nếu dừa quá non, mứt sên sẽ bị nhũn, ngược lại quá già miếng mứt sẽ bị cứng và khô.
Rửa sạch và chần sơ cơm dừa vào nước sôi để loại bỏ bớt dầu dừa bên trong và ngâm đường trong thời gian đủ lâu để nước tiết hết ra ngoài, khi sên mứt sẽ nhanh khô. Lưu ý, thời gian ngâm đường của dừa non sẽ lâu hơn so với dừa già.
Chảo sên mứt nên chọn loại có kích thước lớn, đáy rộng và dày để mứt không bị dính. Trong thời gian sên nên vặn lửa ở mức thấp nhất để nước đường kết tinh, khô và bám vào sợi dừa. Mứt dừa phải sên cho đường thật khô thì mới bảo quản được lâu và không bị chảy nước.
Chờ cho mứt nguội hẳn mới đem bảo quản trong lọ thủy tinh hoặc túi zip. Mẹo nhỏ là bạn nên cho một lớp đường cát trắng vào trước rồi mới thả mứt vào. Lớp đường trắng này có tác dụng hút ẩm, giữ cho mứt luôn giòn ngon, không bị ướt. Nên bảo quản mứt ở nơi thoáng mát hoặc trong ngăn mát tủ lạnh, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Thời gian bảo quản, nếu thấy mứt dừa có hiện tượng chảy nước, bạn có thể cho ra chảo và sên lại.
Mứt dừa là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về, hầu như đi đến đâu bạn cũng sẽ thấy một khay mứt dừa đặt trên bàn đãi khách. Có lẽ vì thế mà cách làm mứt dừa ngon tại nhà bao giờ cũng được đông đảo chị em phụ nữ quan tâm. Trên đây, bài viết đã bật mí cho bạn những công thức làm mứt dừa vừa ngon vừa đơn giản, cùng vào bếp và thực hiện nhé.
Lệ tổng hợp